Cô bé bán diêm

Hans Christian Andersen là nhà văn người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Năm 1835, ông bắt đầu sáng tác truyện kể nhan đề Chuyện kể cho trẻ em tại Ý. Từ đó, hầu như mỗi năm Andersen cho ra đời một truyện. Ấn bản thứ ba của truyện cổ Andersen, được xuất bản năm 1837, đã mang đến nhiều tác phẩm cổ tích nổi tiếng nhất của ông như "Nàng tiên cá", "Bộ quần áo mới của hoàng đế", "Chú vịt con xấu xí"... Phong cách sáng tác của ông là giản dị đan xen giữa mộng tưởng và hiện thực, một hồn văn tuy viết cho trẻ con nhưng lại đậm tính triết lý. Trong đó truyện cổ tích cô bé bán diêm là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, thể hiện rất nhiều những thông điệp , giá trị nhân văn.

Ý nghĩa truyện cổ tích cô bé bán diêm

Vài nét về tác phẩm

Tác phẩm được viết vào năm 1845, khi tên tuổi của tác giả lừng danh thế giới với trên 20 năm cầm bút. Truyện kể về một cô bé bán diêm trong đêm giao thừa. Cô bé có một hoàn cảnh khó khăn mẹ và bà đều đã mất em phải sống với một người bố độc ác trong một căn nhà tồi tàn. Vào đêm giao thừa em đi bán diêm với một bộ quần áo mỏng manh rách rưới và cái bụng không có gì ăn. Nhưng em không dám về nhà vì sợ rằng về nhà bố sẽ đánh khi chưa bán được bao diêm nào cả. Em rét quá không thể tiếp tục đi được nữa nên đã ngồi vào một xó nhỏ giữa hai bức tường. Em quẹt diêm để sưởi ấm. Và khi những que diêm được quẹt lên bao mộng tưởng trong đầu em xuất hiện. Đến khi em quẹt que diêm thứ tư thì người bà hiền từ hiện lên. Em cầu khẩn bà hãy cho em được đi cùng bà. Cuối cùng thì hai bà cháu đã cùng cầm tay nhau bay lên thiên đường nơi mẹ đang ở đó chờ. Một cốt truyện giản đơn, song ta có thể thấy rất nhiều tình tiết nghệ thuật được gài gắm.

Ý nghĩa tác phẩm

* Phản ánh hiện thực tàn khốc

Tác phẩm ra đời vào những năm 1845, có thể nói đây là thời kì mà quyền con người vẫn chưa được đề cao. Và dù có viết vào thời kì nào thì vẫn luôn tồn tại những con người bất hạnh, đang phải chịu đựng cuộc sống khốn khó về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhà văn đã hướng cây bút về những con người như vậy, để thay họ nói lên những bất công mà họ phải chịu. Cô bé bán diêm là nhân vật điển hình cho rất nhiều những đứa trẻ khác như em, thiếu thốn và cô đơn. Tác phẩm đã vẽ nên hiện thực tàn khốc đối với những đứa trẻ, khi chúng phải chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt trong những dịp lễ đáng lẽ phải ở bên gia đình, gồng gánh những nhiệm vụ vượt xa khả năng của chúng, và phải chịu đựng những thói hư của người lớn. Em là nạn nhân điển hình nhất của bạo lực gia đình, song có vẻ như không ai thực sự quan tâm đến điều đó, ngoài lòng thương hại tỏ ra trong chốc lát.

Tác phẩm xây dựng những hình ảnh đối nghịch, để làm nổi bật lên sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong xã hội, sự trái ngược giữa hình ảnh gia đình quây quần bên những bàn ăn trang trọng đêm giáng sinh với hình ảnh lẻ loi của cô bé đã cho thấy sự đối nghich rất lớn giữa các giai cấp trong xã hội. Có quá nhiều những số phận bất hạnh như cô bé bán diêm, bị đánh đập, bị bỏ rơi, phải mưu sinh kiếm tiền, nhưng người ta chỉ nghĩ đến lợi ích của một bộ phận nhỏ giàu có trong xã hội, hiện thực đớn đau đã được nhà văn bóc trần không thương tiếc.

* Thể hiền niềm thương cảm của nhà văn dành cho những kiếp người bất hạnh

Qua truyện “Cô bé bán diêm”, nhà văn An-đéc-xen đã thể hiện sâu sắc tấm lòng nhân ái của mình với những số phận, cảnh đời nghèo khó, bất hạnh, đặc biệt là với trẻ em. Đồng thời nhà văn còn muốn gửi đến một thông điệp tới người đọc mọi thế hệ sau này, một bài học giàu ý nghĩa về tình yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống. Bằng việc xây dựng những hình ảnh qua những lần quẹt diêm, nhà văn đã tạo cơ hội cho cô bé được mơ ước thêm một lần. Bươn chải quá sớm, em đã mất đi những non nớt ngây thơ của trẻ con, em không còn dám thể hiện ước mong của mình, những ước mong giản dị của một con người bình thường. Đặc biệt, tác giả đã xây dựng một cái kết rất buồn, khi để em chết, nhưng đối với cô bé, đây lại là một sự giải thoát cho cuộc sống khốn cùng và không có tình thương này.

Qua những chi tiết trên, tác giả đã dành tình yêu của mình cho những phận đời như thế, dù chỉ là mơ thôi, nhưng chính những giấc mơ đó đã cứu rỗi linh hồn của em bé, để em bớt đau thương hơn, bớt bất hạnh hơn và ít ra trước khi lìa bỏ cõi đời này em còn lưu lại được “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Ít nhất, trong khi không một ai thương lấy họ, nhà văn cũng đã thay họ đem lại một cuộc sống hạnh phúc ở một thế giới khác, không có đói rét, không có lạnh giá, nơi ấy là thiên đường có người thân yêu của họ đang đợi. Và thế là em không cần phải chịu cái hiện thực trống rỗng này nữa.

Đọc truyện cổ tích Cô bé bán diêm

Rét dữ dội. Tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.

Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.

Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ !

Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.

Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.

Thế là em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

Chiếc tạp dề cũ kỹ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.

Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà ! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắc nhiếc, chửi rủa.

Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút.

Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.

Tuy nhiên em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.

Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà và, mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.

Chà ! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que diêm. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà ! Ánh sáng kỳ diệu làm sao ! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.

Thật là dễ chịu ! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà ! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!

Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm; đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn thấu tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

Rồi… que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo.

Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mấy ngừơi khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Noel. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng, hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây… nhưng diêm tắt. Tất cả những ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.

– Chắc hẳn có ai vừa chết, em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: “Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với thượng đế”.

Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng là bà em đang mỉm cười với em.

– Bà ơi ! Em bé reo lên, cho cháu đi với ! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao ! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; bà ơi! cháu van bà, bà xin với Thượng Đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biết mất.

Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại ! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thuợng đế.

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!.” Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

XEM VIDEO TRUYỆN CỔ TÍCH CÔ BÉ BÁN DIÊM

Cô bé bán diêm” nổi bật bởi tuy là truyện cổ tích cho trẻ em, nhưng lại có rất nhiều dụng ý nghệ thuật, những ý nghĩa nhân sinh và những giá trị lịch sử, chính điều này đã tạo nên ngọn lửa cháy mãi của tác phẩm.


(*) Bản quyền bài viết thuộc về SachHay24H.com. Khi chia sẻ, cần phải dẫn link, trích dẫn nguồn đầy đủ về SachHay24h.Com. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Go HomePage: Sách Hay 24H hoặc click: Sách hay nhất mọi thời đại, Mua sách online, Bạn đắt giá bao nhiêu, Truyện cổ tích Việt Nam, Mùa xuân nho nhỏ, Tràng giang, Hịch tướng sĩ

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá
Sách cùng danh mục
Truyện cổ tích Ba chú heo con

Truyện cổ tích Ba chú heo con

Ngày xưa có một bà mẹ heo sinh được ba chú heo con. Ba chú heo hay ăn nên lớn rất nhanh, khi thấy những...

Truyện cổ tích song ngữ – Ông lão đánh cá và con cá vàng

Truyện cổ tích song ngữ – Ông lão đánh cá và con cá vàng

Once upon a time there were a fisherman and his wife who lived together in a filthy shack near the sea. Every day the fisherman...

Sợi vứt đi

Sợi vứt đi

Ngày xưa có một cô gáixinh đẹp nhưng phải cái lười biếng và cẩu thả. Khi phải kéo sợi thì cô làm...

Mười hai người thợ săn

Mười hai người thợ săn

Ngày xưa có một vị Hoàng tử yêu vợ chưa cưới tha thiết. Một hôm, chàng đang ngồi bên nàng rất đỗi...

The King of the Golden Mountain

The King of the Golden Mountain

The King of the Golden Mountain There was a certain merchant who had two children, a boy and a girl, they were both young, and...

Con thỏ biển

Con thỏ biển

Ngày xửa ngày xưa, một nàng công chúa có một tòa lâu đài. Ở trên nóc tháp có một cái phòng với mười...

Sách đọc nhiều nhất
Quả bầu tiên - Truyện cổ tích Việt Nam về tấm lòng nhân hậu

Quả bầu tiên - Truyện cổ tích Việt Nam về tấm lòng nhân hậu

Câu chuyện cổ tích Quả bầu tiên kể về tấm lòng nhân hậu của cậu bé nghèo giúp đỡ chú chim én...

Truyện cổ tích về các nàng công chúa xinh đẹp

Truyện cổ tích về các nàng công chúa xinh đẹp

Truyện cổ tích về nàng công chúa chiếm phần lớn nội dung của thể loại văn học dân gian. Tuy đa dạng...

Truyện cổ tích thế tục Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Truyện cổ tích thế tục Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Truyện cổ tích thế tục là một trong những thể loại của truyện cổ tích, xoay quanh những sự kiện...

Truyện cổ tích: Bà chúa tuyết

Truyện cổ tích: Bà chúa tuyết

Bà chúa Tuyết là một trong những truyện cổ tích dài và đặc sắc nổi tiếng trên thế giới của Andersen....

Những Câu Chuyện Cổ Tích Hay Về Tấm Lòng Nhân Hậu

Những Câu Chuyện Cổ Tích Hay Về Tấm Lòng Nhân Hậu

Điều tuyệt vời nhất nằm trong những câu chuyện cổ tích chính là nỗ lực giữ gìn cái thiện, ngợi...

Truyện Cổ Tích Việt Nam Cây Bút Thần

Truyện Cổ Tích Việt Nam Cây Bút Thần

Truyện Cây bút thần kể về cậu bé Mã Lương nghèo nhưng đam mê vẽ tranh với tài năng và cây bút thần...

Review sách hay, sách hay nên đọc tại Sách Hay 24H.